Họ Bùi Hữu ở Đô Lương Nghệ An

HBVN

Hàng năm cứ ngày rằm tháng giêng con cháu họ Bùi xa gần lại quy tụ về nhà thờ họ ở xóm Yên Minh xã Yên Sơn huyện Đô Lương tỉnh Nghệ An để dự ngày giỗ Tổ rất đông vui. Ngày rằm tháng giêng đã trở thành ngày hội lớn của họ Bùi Đô Lương.

1. Lời mở đầu dòng họ

Cây có gốc, người có cội nguồn. Sinh ra ở đời ai cũng muốn biết nguồn gốc, xuất xứ của mình, đó là một nhu cầu chính đáng, là sự thể hiện lòng biết ơn đến đấng sinh thành, đến Tổ tiên của mình. Để giúp mọi người đạt được ước nguyện đó thì việc lập Phả hệ là điều không thể thiếu.

Xét từ xa xưa, từ thế kỷ 15 họ ta đã có gia phả nhưng chỉ có 01 tập được chép thành văn bằng chữ Hán. Đến năm 1995 được cụ Bùi Huy Chính - công tác tại Bộ Nội thương - dịch và biên soạn lại.. Tuy nhiên trong quá trình biên soạn Cụ đã đưa thêm một số nội dung làm cho tính chính xác, trung thực của Gia phả bị phai mờ.

Để con cháu họ Bùi Hữu Đô Lương - Nghệ An có điều kiện tìm kiếm cuội nguồn của mình, tôi thiết nghĩ cần tu chỉnh, bổ sung lại Gia phả theo hướng trung thực, chính xác nhất . Tuy việc làm đó là hết sức khó khăn bởi vậy tôi kính mong tất cả mọi người giúp đỡ, dù ít , dù nhiều đều đáng trân trọng.

Trong Gia phả các cụ xưa đã dạy : "... Phàm sách vở cũng có điều hay, điều dở. Có người viết sách mà chưa thông hiểu lẽ Thánh hiền, hoặc viết theo ý riêng, theo cảm tính mà gây nên sự cẩu thả, hỗn tạp. Đọc sách là cẩn thiết. Sách đem lại cho người đời điều hay, lẽ phải. Nhưng phải biết phải, trái, biết phân biệt trắng đen cho rõ ràng. Không được khinh xuất làm xằng. Các con cháu nhớ răn bảo nhau, đừng để người đời cười chê..."

2. Giới thiệu chung

Họ Bùi Hữu Đô Lương theo gia phả để lại có nguồn gốc xuất xứ từ Hà Đông quận. Gia phả có ghi "Cụ Bùi Thế Hiển sinh năm 1390 nguyên là Cao Cao Tổ (ông Tổ đời thứ 6) được kế truyền thay các cụ Thủy Tổ họ Bùi nối dõi tông đường để thờ cúng tổ tiên, xây dựng dòng họ, răn dạy con cháu nối tiếp truyền thống, giữ vững bản chất của ông cha. con cháu kính xưng ngài là Tiền Thế Tổ " của dòng họ Bùi Hữu Đô Lương Ngày giỗ của cụ là 16 tháng giêng âm lịch. Hàng năm cứ ngày rằm tháng giêng con cháu họ Bùi xa gần lại quy tụ về nhà thờ họ ở xóm Yên Minh xã Yên Sơn huyện Đô Lương tỉnh Nghệ An để dự ngày giỗ Tổ rất đông vui. Ngày rằm tháng giêng đã trở thành ngày hội lớn của họ Bùi Đô Lương


Tính từ cụ tổ Bùi Thế Hiển đến nay (năm 2010), họ Bùi Hữu Đô Lương đã có 22 đời sống ở đất Đô Lương. Theo giai đoạn lịch sử họ đệm có sự thay đổi như : Bùi Thế; Bùi Khả; Bùi Văn và Bùi Hữu



Tộc trưởng đời thứ 6 (tính từ cụ tổ Bùi Thế Hiển) là cụ Bùi Khả Trung làm quan của triều đình với chức Thiết đột Trung quân, Quang lộc Đại phu thượng tướng quân sinh ra cụ Bùi Khả Tà làm quan lớn của triều đình với chức Thái phó Quỳ quốc công được tặng Hiển công Vương sau gia tăng Minh nghĩa Đại vương. Cụ sinh con gái Bùi Ngọc Thụy (được phong là Nhân từ Thái phi) là mẹ của vua Lê Trang Tông. hiện nay hai bố con đang được thờ phụng tại Đền Đức Hoàng - một ngôi đền lớn linh thiêng ở Yên Sơn Đô Lương. Hàng năm, vào ngày 16 tháng giêng âm lịch, nhân dân trong vùng lại tổ chức lề tế có rất nhiều người tham gia và ngày 16 tháng giêng hàng năm cũng trở thành ngày hội lớn của nhân dân trong vùng.

3. Phả ký - khởi tổ dòng họ

... Xét từ xa xưa họ ta đã có gia phả nhưng chỉ có 01 tập chép thành văn, tuy ràng chưa thật đầy đủ nhưng cũng đã để lại vết tích có thể giúp cho việc suy xét mà trong lúc loạn lạc chưa làm dược. Việc sưu tầm cần cố gắng thì có thể nhanh chóng để viết lại thành một bộ gia phả đầy đủ các hệ thuộc, các chi, phái, cùng ngày cúng giỗ, nơi chôn cất mồ mả tổ tiên.

Nghĩ rằng gia phả tuy ghi chép chưa thật đầy đủ nhưng cũng rất công phu và đã để lại cho con cháu đời sau thấy được giềng mối, biết được nguồn gốc để từ đấy tất cả con cháu hướng về. Mong muốn của Tổ Tiên là vậy.

Nói đến công đức các cụ Thủy Tổ từ các đời trước thật là to lớn, hiển hách, còn lưu truyền lại đó khiến chúng ta cũng được tiếng thơm. Nhưng mặt khác cũng thấy lòng trăn trở, băn khoăn, vì vậy trước tiên ta phải khảo xét để ghi nhớ thấu suốt vào nội tâm.

Từ nay về sau, con hiền, cháu thảo hãy lưu tâm xem xét các đời trước có công tích thì bổ sung thêm, dần dần rồi cũng đầy đủ, dừng bỏ sót. Có như vậy thì đời trước mới được sáng thêm và đời sau ngày càng rạng rỡ.Lại càng phải ghi chép các điều thiện, phúc lành. Phải tường thuật lại mọi việc làm tốt của người xưa. Những điều đó đã có một phần trong gia phả này, con cháu ta phải nhớ kỹ. Nay truyền lại rằng Đạo hiểu trong đời là như vậy .

... Thần tổ là quan vệ úy, Ngài rất coi trọng lễ giáo và dạy rằng: "Thế tục và lẽ thịnh, suy thường diễn biến nay đang là bãi bể, mai đã trở thành nương dâu, không biết đâu mà lường. Con người ở đời kẻ sáng suốt thì ít, người mê muội còn nhiều. Họ không nắm được ý trời nên rất thiển cận một chiều, chỉ muốn lo cho cuộc sống vật chất của riêng mình. Nên hiểu rằng, dẫu cho của nhị Đế, tam Vương cũng không thể khiến con cháu làm chủ thiên hạ mãi được, huống chi người bình thường lại không chịu hiểu cho tường tận, làm những việc trái với luân thường, đạo lý.

Ta nối dõi là công hầu, nam, nữ đều quý hiển, sinh tất vinh danh, tử tất hiển hiếu. Con cháu đời đời được tấn phong. Đó là nhờ có công tích lũy công đức mà nên. Các người thừa ấn của tiền nhân mà tọa hưởng. không lo giữ nghiệp cho tinh, không tiếp tục mở mang sự nghiệp làm rạng danh nhà, chỉ đam mê thói xấu, làm việc quàng xiên, cầu cúng, bói toán nhảm nhí, lập đản cầu phúc ngoài miệng mà trong lòng lại nghĩ điều ác. Làm như vậy là trên thì dối Trời, dưới thì lừa Người. Như thế há chẳng phải là phản lại việc cầu phúc hay sao? Nói là cầu phúc mà thực tâm chỉ cầu phú quý. Nên hiểu rằng, phải biết làm điều thiện thì mới có phúc. Bởi lẽ Thần, Thánh rất linh ứng, không bao giờ lại ban phúc cho người gian, kẻ ác.

Muốn có Phúc, Lộc thì trước hết phải tu tâm, tích đức, phải cải tà, quy chính, ăn, ở phải có tình người, có trên, có dưới, hòa thuận, phân minh, tránh điều cản rỡ thì tự nhiên sẽ được gặp phúc. Còn như chỉ lo chạy đản để cầu phúc cho riêng mình là làm điều lừa dối tất sẽ bị tiền nhân quở trách. Phúc đã chẳng gặp mà họa chắc sẽ đến nơi và tất suy bại, sao chẳng nghĩ cho kỹ?

Người xưa đã chẳng nói rằng: Không có thiên đường thì thôi, nếu có thì người quân tử phải được lên đó ở. Không có địa ngục thì thôi, nếu có thì lũ tiểu nhân phải vào. Tổ tiên ta là người quân tử há lại vào địa ngục với lũ tiểu nhân hay sao? Các Chư - Tướng - Công đều là danh hiền. Ta thường thành tâm lập đàn dâng lễ, cúng bái Tổ Tiên và luôn tụng kinh để tránh điều lầm lỗi, chứ không dám mong Trên ban phúc lành mà còn lo là bất kính lắm thay.

Phàm sách vở cũng có điều hay, điều dở. Có người viết sách mà chưa hiểu lẽ Thánh hiền, hoặc viết theo ý riêng, theo cảm tính, hoặc viết không trung thực mà gây nên sự cẩu thả, hỗn tạp. Đọc sách là cần thiết. Sách đem lại cho người đời điều hay, lẽ phải. Nhưng đọc sách phải biết phân biệt phải, trái, trắng, đen cho rõ ràng, không được khinh xuất, làm xằng. Các con cháu phải nhớ răn bảo nhau, đừng để người đời cười chê."

Chú dẫn: Bài tựa này được dịch theo nguyên văn của gia phả chữ Hán để lại

Bùi Hữu Mão
Email: mao.buihuu@yahoo.com.vn - Điện thoại: 0912.743.270

CÙNG CHUYÊN MỤC