Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Chát (1925 - 1966)

HBVN

Bùi Chát là người đầu tiên quê ở Quảng Nam được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kháng chiến chống Pháp và cũng là lớp chiến sĩ được phong Anh hùng đầu tiên của lực lượng vũ trang Quân khu V.

Bùi Chát được tặng thưởng Huân chương Chiến công III, Huân chương Quân công hạng III, 10 lần được tỉnh, Liên khu khen thưởng là chiến sĩ thi đua Liên khu V. Năm 1954, cùng đơn vị tập kết ra Bắc.

Ngày 31-8-1955, Bùi Chát được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Bùi Chát sinh năm 1925, dân tộc Kinh, quê ở xã Cẩm Hà, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nhập ngũ năm 1951. Khi được tuyên dương Anh hùng là trung đội trưởng công binh thuộc trung đoàn 93, đại đoàn 324, Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.

Năm 1947, giặc Pháp chiếm Hội An, Bùi Chát xung phong vào tự vệ, tham gia diệt ác, trừ gian. Sau đó đồng chí là một trong những thanh niên đầu tiên của thị xã tham gia đội biệt động. Đồng chí đã chiến đấu 55 trận, trận nào cũng dũng cảm, táo bạo, nhiều trận đột nhập thị xã giữa ban ngày để diệt bọn tề điệp, ác ôn, có lần đã bắt sống cả tên tỉnh trưởng. Trong đánh giao thông đồng chí cũng đã lập công xuất sắc, đặt mìn giật đổ 7 đoàn tàu có 3 đầu máy, 18 toa, diệt 5 xe, cùng đơn vị diệt gần 2 đại đội địch.

Năm 1949, 2 ca nô địch thường xuyên chạy trên đoạn sông Hội An - Câu Lâu bắn phá gây nhiều thiệt hại cho nhân dân. Đơn vị đã nhiều lần phục kích nhưng đều đánh hụt. Đồng chí xung phong dẫn một tổ lặn lội suốt đêm đưa thuỷ lôi tới tận nơi đánh chìm cả 2 chiếc, diệt 14 tên giặc Pháp.

Từ năm 1952, đơn vị Bùi Chát nhận nhiệm vụ đánh giao thông địch trên đèo Hải Vân. Đây là đoạn giao thông huyết mạch của địch, địa hình rất hiểm trở, địch bố trí canh phòng nghiêm ngặt, đồn bốt san sát, quân tuần tiễu và ứng chiến thường xuyên sẵn sàng phản kích khi có động. Tháng 1 năm 1952, đồng chí dẫn một tổ xuống đường đặt mìn tự động. Sáng hôm sau, tàu địch chạy qua, mìn nổ hất nhào một đầu máy và một toa xuống vực. Đại bác địch các nơi bắn về dữ dội, quân của chúng tỏa đi sục khắp nơi. Tổ đồng chí đã mưu trí và sáng tạo, bò vào sát đồn địch ẩn nấp, đánh lạc hướng địch, đến tối rút ra an toàn.

Tháng 12 năm 1953, để phối hợp với chiến dịch Xuân Hè 1953, Bùi Chát được giao nhiệm vụ đánh đoàn tàu chở lính địch từ Đà Nẵng đi Huế. Suốt 10 ngày trèo đèo, lội suối, tìm đường, vừa tới nơi đồng chí trực tiếp ra chọn chỗ chôn mìn ngay. Địch cho nhiều đoàn tàu chở đá và toa không chạy trước, anh em trong tổ nóng lòng muốn đánh, Bùi Chát bình tĩnh động viên đồng đội chờ đợi. Đúng như phán đoán của đồng chí, chuyến tàu chờ lính và vũ khí chạy sau cùng. Khi đoàn tàu lọt vào trận địa, đồng chí trực tiếp bấm nút điện; mìn nổ, hất cả đoàn tàu xuống chân đèo, gần 100 tên địch gồm cả lính và sĩ quan bị tiêu diệt không sót một tên. Đồng chí dẫn đầu tổ xông ra thu 300 súng các loại.

Cuối tháng 5 năm 1954, Bùi Chát nhận được lệnh đánh đoàn tàu chở bọn sĩ quan Pháp. Thời gian rất gấp, vừa chôn mìn xong thì bọn lính tuần tiễu đi tới. Có nguy cơ bị lộ, nhưng đồng chí vẫn bình tĩnh quan sát và ra hiệu cho cả tổ nằm im. Bọn chúng vừa đi qua thì đoàn tàu đến, đồng chí chập điện cho mìn nổ, hất cả đoàn tàu xuống chân đèo, rồi rút về căn cứ an toàn. Trận này ta đã diệt gọn 100 tên sĩ quan Pháp. Sáng hôm sau, các đồn bốt địch ở khu vực Đà Nẵng và Huế đều treo cờ tang.
Năm 1966, Bùi Chát trở về chiến đấu trên chiến trường miền Nam, làm chính trị viên phó tiểu đoàn và hy sinh trong năm này.
Ghi nhận những đóng góp của ông, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã quyết định đặt tên một con đường mang tên Bùi Chát dài 300m, rộng 5m từ đường Nguyễn Lương Bằng đến Xí nghiệp sửa chữa thuộc Công trình cơ khí giao thông V.

Bùi Chí Nhân (Theo danangcity.gov.vn)

CÙNG CHUYÊN MỤC

Danh nhân - Nhân vật

Anh hùng - Liệt sỹ

Gương sáng thời nay