Đoan quận công Bùi Thế Đạt - Một võ tướng ưu quốc, ái dân giữa thế kỷ XVIII

HBVN

Bùi Thế Đạt sinh ngày 04 tháng 01 năm Giáp Thân (1704), đời vua Lê Hi Tông, niên hiệu Chính Hòa thứ 25, tại làng Bùng (thôn Hữu Bằng), xã Tiên Lý, tổng Lý Trai, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, trấn Nghệ An (nay là xóm Trung Yên, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An).

Ông là con trai của Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, Thái bảo Bùng quận công, Đại vương Bùi Thế Minh và bà Ngô Thị Nuôi. Ông nội của ông cũng từng làm quan trong triều, được phong đến chức Chiêu nghi Đại tướng quân, Điện tiền đô hiệu điểm, tước Cao Đại hầu. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống võ nghiệp, nên ngay từ nhỏ, Bùi Thế Đạt đã được cha mẹ chăm lo, rèn luyện võ nghệ. Ông sớm nổi danh có sức khỏe hơn người, một đô vật giỏi có tiếng của vùng phủ Diễn Châu, trấn Nghệ An. Đến tuổi trưởng thành, ông gia nhập quân đội của vua  Lê – chúa Trịnh. Không lâu sau, ông được thăng chức Cai cơ, chỉ huy nhiều trận chiến, đánh dẹp giặc đã góp phần vào việc ổn định xã  hội.

Do có công trạng, năm Canh Thân (1740), Trịnh Doanh phong cho ông làm Lưu thủ ở Thái Nguyên, tước Đoan Nghiêm hầu.

Năm Canh Ngọ (1750), ông được phong làm Tả Tướng quân kiêm thống lĩnh Sơn Tây, theo Minh vương Trịnh doanh đi đánh Nguyễn Danh Phương ở Tam Đảo. Trong trận chiến này, với tài thao lược cùng sự ứng biến nhanh nhẹn, phối hợp nhuần nhuyễn cùng các cánh quân khác, Bùi Thế Đạt đã góp công lớn trong việc phá được Úc Kỳ, Hương Canh, tạo tiền đề để tiến đánh căn cứ Ngọc Bội. Quân của Nguyễn Danh Phương vừa bị đánh bất ngờ, vừa vấp phải một thế lực mạnh nên nhanh chóng bị thất bại. Nhân đó, Bùi Thế Đạt đốc thúc quân đi đường Phổ Yên, Đại Từ, đón chặn phía sau, tiêu diệt hết tàn quân của Nguyễn Danh Phương. Do lập được nhiều công trạng, khi bàn đến chiến thắng Sơn Tây, ông được xếp thứ hai, được thưởng 01 kim bài, 02 ngân bài. Ít lâu sau, ông được điều về làm Trấn thủ Sơn Tây, rồi Chánh đề Kinh Bắc, Lưu thủ Thanh Hoa.

Năm Ất Dậu (1765), ông được giao làm Đốc suất Nghệ An. Thời gian này, cuộc khởi nghĩa của Hoàng Công Chất nổi lên và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của quần chúng nhân dân. Điều này khiến chúa Trịnh vô cùng lo lắng. Năm Đinh Hợi (1767), Tĩnh vương Trịnh Sâm định cầm quân đi đánh Hoàng Công Chất ở Hưng Hóa thì Lê Duy Mật tại Trấn Ninh tràn ra quấy rối trước, để ứng cứu cho Công Chất. Trước tình thế này, Trịnh Sâm bèn sai Bùi Thế Đạt tuyển binh sĩ, chiêu dụ hào mục để thêm thế lực, đồng thời gia phong cho ông tước Đoan quận công, sai đưa quân đi đánh dẹp. Không phụ sự ủy thác của Tĩnh vương, ông nhiều lần đánh phá được quân của Lê Duy Mật, còn bắt được Côn quận công, bỏ cũi đưa về Kinh sư. Khi tin thắng trận báo về, chúa sai ông rút đại quân về trấn giữ Nghệ An và sai tướng khác đánh Hưng Hóa.

Năm Kỷ Sửu (1769), sau khi dẹp yên mười châu, chúa Trịnh bàn đánh Trấn Ninh và triệu ông về Kinh giao trọng trách Thống lĩnh đạo quân Nghệ An, cai quản60 dinh cơ cùng với đạo quân Thanh Hoa của Nguyễn Phan, nhất tề tiến vào trấn Ninh. Tháng 9 năm 1769, hai đạo quân  tìm đường tiến đến căn cứ Trình Quang, sào huyệt của Lê Duy Mật. Lúc bấy giờ, quân của Lê Duy Mật đã chia các ngả chống trả quyết liệt, gây tổn thất không ít cho quân Trịnh. Trước tình hình đó, Tĩnh vương cho là thành lũy giặc hiểm trở và bền vững, khó hạ, mà đại quân đóng đã lâu, vận tải lương lại khó khăn, nên Mật báo tạm rút quân về nghỉ, đợi mùa xuân tới sẽ tiến đánh.

Được nghỉ ngơi, củng cố binh mã và nhờ sự khích lệ kịp thời của Bùi Thế Đạt và sự đồng lòng của các tướng sỹ, năm 1770, sào huyệt cuối cùng của Lê Duy Mật đã bị tiêu diệt. Sau khi giành được Trấn Ninh. Triều đình bàn đến công lao ban thưởng, Bùi Thế Đạt được triều đình thăng lên 22 lần, ban chức Đại tư mã, gia phong hai chữ “Công thần”, khắc vào bài vàng ban tặng. Chúa Trịnh tiếp tục giao ông làm Đốc trấn Nghệ An để xem xét tình hình Đàng Trong.

Năm Giáp Ngọ (1774), nghe tin Đàng Trong có nghĩa quân Tây Sơn khởi binh chống chúa Nguyễn, khiến chính quyền họ Nguyễn rối ren và ngày càng suy yếu, Bùi Thế Đạt một mặt mật tâu lên chúa Trịnh, mặt khác bí mật khảo sát và tập hợp các tư liệu vẽ nên bộ bản đồ ghi lại chi tiết đường đi lối lại của xứ Đàng Trong. Sau khi hoàn  thành xong tập bản đồ, ông liền tấu về triều đề xuất việc đánh dẹp Nam Hà và dâng lên chúa Trịnh tập bản đồ xứ Đàng Trong.

Tập bản đồ này có nhan đề “Giáp Nhọ niên bình Nam đồ”  nghĩa là: “Bản đồ đánh dẹp miền Nam năm Giáp Ngọ”. Dưới cùng là dòng chữ : “Đốc suất Đoan Quận công họa tiến” nghĩa là: “Quan đốc suất Đoan Quận công vẽ và dâng lên”. Tập bản đồ gồm tất cả 15 bản vẽ xứ sở Đàng Trong đi từ Quảng Bình vào tới núi Đá Bia, thuộc Phú Yên. Trong bộ bản đồ này, “Bãi cát vàng” tức hai quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa ngày nay được vẽ và chú thích ở ngoài khơi phủ Quảng Ngãi. Đặc biệt, trong đó có những chi tiết bằng hình ảnh xác định chính quyền (Chúa Nguyễn) và người Việt (xứ Đàng Trong) đã khai thác và làm chủ “Bãi cát vàng”. Phần vẽ và chú thích “Bãi cát vàng” được thể hiện trong tấm bản đồ thứ 06 của “Giáp Ngọ niên bình Nam đồ”. Như vậy “Giáp Ngọ niên bình Nam đồ” là tác phẩm thứ hai xuất hiện danh từ “Bãi cát vàng”, sau “Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” của Đỗ Bá Công Đạo. Sau hơn 240 năm kể từ khi ra đời, tấm bản đồ hiện vẫn còn tồn tại và được lưu giữ, góp phần không nhỏ vào việc khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.

Sau khi xem xong bản tấu và tập bản đồ, Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm đồng ý và phong hiệp Quận công Hoàng Ngũ Phúc làm Thống tướng, Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm làm Tả tướng và Đoan Quận công Bùi Thế Đạt làm Phó tướng, thống lĩnh 23 doanh thủy, bộ các đạo Thanh – Nghệ, tổng số gồm ba vạn quân tinh nhuệ tiến vào Nam. Nhờ tấm bản đồ “tình báo” và tài cầm quân của các vị tướng cùng với lực lượng hùng hậu, quân Trịnh liên tiếp giành thắng lợi. Tháng 10 năm 1774, Bùi Thế Đạt đem quân vượt sông Gianh, hạ được lũy Thầy. Tháng 12, ông theo Hoàng Ngũ Phúc đến đánh thánh Phú Xuân.

Đầu năm Ất Mùi (1775), quân Trịnh chiếm gọn thủ phủ Đàng Trong là Phú Xuân, buộc chúa Nguyễn phải bỏ kinh thành chạy vào Nam, Hoàng Ngũ Phúc tiến vào Quảng Nam đánh Tây Sơn, giao Bùi Thế Đạt ở lại giữ Phú Xuân xếp đặt mọi việc. Tháng 10 năm 1775, Hoàng Ngũ Phúc mắc bệnh, đem quân về Kinh Bắc, Bùi Thế Đạt ở lại thay mặt coi việc binh.

Năm Bính Thân (1776), Bùi Thế Đạt được thăng làm Nam thủy Đại tướng quân, kiêm Trấn thủ xứ Thuận Hóa. Sau khi tiếp quản thành Phú Xuân, Bùi Thế Đạt nhận lệnh của triều đình cho mở một xưởng đúc tiền lớn ngay tại khu vực bờ sông Hương (thành phố Huế), phía bắc cầu Trường Tiền ngày nay. Ông cho thu gom các loại binh khí bằng đồng không dùng như súng, đỉnh, vạc.... để đúc tiền dâng lên vua Lê, chúa Trịnh dùng vào việc ngoài biên. Công việc được tiến hành từ ngày 22/2 cho tới ngày 30/6 năm Bính Thân (1776). Tiền đúc ở đây được khắc 04 chữ “Cảnh Hưng Thuận Bảo”. Do đang trong thời kỳ chiến tranh, lo đối phó với chúa Nguyễn và phong trào Tây Sơn ở Đàng Trong nên công trường đúc tiền cũng chỉ mang tính chất tạm thời và chỉ duy trì được trong thời gian 4 tháng. Tuy vậy, với việc một vị tướng quân đội Đàng Ngoài mở công trường đúc tiền tại Đàng Trong, thì đây là một sự kiện đặc biệt, in đậm dấu ấn trong đời sống xã hội của mảnh đất Thuận Hóa lúc bấy giờ.

Theo nghiên cứu mới, của Trần Tử Quang, trong thời gian trị nhậm tại Thuận Hóa, ngoài nhiệm vụ phải bảo đảm giữ gìn và đánh bại mọi lực lượng xâm phạm Phú Xuân, ông còn phải đứng ra tổ chức và sắp đặt bộ máy hành chính tại đây. Đây là một điều rất khó khăn, bởi xứ Đàng Trong sau hơn 200 năm tách rời khỏi chính thể Đại Việt đã như một quốc gia độc lập. Đặc biệt cuối đời chúa Nguyễn Phúc Khoát, xứ Đàng Trong có hệ thống thuế khoán nhiêu khê, nặng nề, quan dưới lạm thu khiến dân phải nộp nhiều hơn quy định. Với lòng thương dân, ông đã giảm thuế và nới thời gian thu thuế cho nhiều địa phương.

Tháng 8 năm 1776, Bùi Thế Đạt được thăng lên chức Chưởng phủ sự.

Năm Đinh Dậu (1777), Đoan Quận công Bùi Thế Đạt về trí sĩ tại quê nhà và được triều đình ban lộc điền gồm ba tổng Cao Xá, Lý Trai, Vạn Phần tại 02 huyện Đông Thành và Yên Thành.

Sau khi nhận được lộc điền, ông đã chia cho nhân dân 236 xã, thôn, phường thuộc ba tổng Cao Xá, Lý Trai, Vạn Phần hơn 63 mẫu để làm đất canh tác và đất ở, không thu tô thuế.

Năm Mậu Tuất (1778), vì có giặc biển quấy nhiễu, chúa Trịnh lại điều ông làm Trấn thủ Sơn Nam. Một lần nữa, bằng tài thao lược của mình, Bùi Thế Đạt dẹp yên được cướp biển. Sau đó, ông lại được giao làm Đốc suất Nghệ An.

Trong những năm làm việc ở đây, Bùi Thế Đạt còn nhiều lần làm tờ khải xin gia phong cho các vị thần vốn thờ phụng ở các đền trên địa bàn, như thần ở đền Bạch Mã, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương.

Sau một thời gian lâm bệnh nặng, Bùi Thế Đạt mất ngày 8 tháng Giêng năm Tân Sửu (1781), thọ 77 tuổi ( ? ), mộ táng ở xóm Hải Trung, xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, cách đền khoảng 02 km về phía Đông Bắc.

Sau khi ông mất được triều đình nhà Lê tặng phong Phúc thần, gia tặng Đức lượng Du liệt Nhân nghị Đại vương và giao cho chính quyền và nhân dân sở tại lập đền thờ phụng.

Người đưa tin: Trần Sỹ Hồng
Phòng VH - TT huyện Diễn Châu

CÙNG CHUYÊN MỤC

Danh nhân - Nhân vật

Anh hùng - Liệt sỹ

Gương sáng thời nay