Lược sử họ Bùi Đình tại Xích Thổ, Nho Quan, Ninh Bình

HBVN

Từ cụ khởi Tổ Bùi Đình Quy đến đây ĐINH SỬU (1697) ĐINH SỬU (1997), từ một hộ nay đã phát triển thành hơn 200 hộ, trên 1.400 nhân khẩu, trong đó có trên 500 nam giới, nay là đời thứ 13.

Gia phả của họ phân ra làm 4 giai đoạn sau:

Giai đoạn thứ nhất (từ 1697 - 1806)

Từ cụ khởi Tổ Bùi Đình Quy đến đất thôn Liêm - Thượng, là chỗ ở của cụ Bùi Đình Tư ngày nay, 4 đời chỉ có 1 con trai độc nhất.

Khi cụ Bùi Đình Quy đến mang chân nhang bà cô Tổ - Mai Hoa Công Chúa Bùi Thị Thông - từ đất Tổ, đến lập đền thờ ngay từ buổi đầu (theo Phú ý của họ).

Giai đoạn thứ hai (từ năm 1806 - 1945)

Năm Bính Dần (1806) sinh cụ Bùi Đình Hoành là đời thứ 5. Thời kỳ phát triển nhanh nhân số học tục truyền: cụ Bùi Đình Hoành đã lớn tuổi bàn với cha là cụ Bùi Đình Đằng, bỏ nghề làm phù thuỷ, tìm thầy địa lý dị chuyển mả ông nội là cụ Bùi Đình Phái đến cánh đồng Bãi, đất thôn Hạnh Phúc Tổng Đề Đốc nay là thôn Hạnh Phúc xã Gia Sơn - huyện Nho Quan tỉnh Ninh Bình. táng tại Nội con cá.

Họ Bùi Đình phát tích từ đấy.

Cụ Bùi Đình Hoành kết hôn với cụ bà là Đinh Thị Sửu con cụ Đinh Quang Chấn thôn Liêm - Trung cùng xã. Nên 2 cụ sinh được 5 người con trai hình thành 5 chi của họ bùi và 3 người con gái.

Chi thứ nhất cụ  : Bùi Đình Trừng

Chi thứ hai cụ    : Bùi Đình Trữ

Chi thứ ba cụ     : Bùi Đình Tiếp

Chi thứ tư cụ     : Bùi Đình Đoán

Chi thứ năm cụ  : Bùi Đình Đãng

Và 3 cụ con gái: Bùi Thị Tứ, Bùi Thị Lục và Bùi Thị Bảy. Nên gia phả của họ mãi đến Tự Đức nhị thập niên (1867) mới có văn từ.

Các cụ làm nhà thờ có đôi câu đối:

"Bách thế bất thiên công đức hậu

Thiên thu như kiến tử tôn hiền"

Cụ Bùi Đình Hoành qua đời năm Bính Tuất (1886) con cháu ngày càng đông, hình thành 5 chi của họ, các cụ bán nhà thờ nhỏ, làm nhà thờ to hơn có cụ đồ nho cho đối câu đối vịnh là:

"Bảo quế ngũ chi văn tại tích

Lạc long bách noãn thí vụ kim"


Nghĩa là:

(Cây) "Quế quý năm cành nghe sự tích

Lạc long trăm trứng đến ngày nay".


Đến năm 1939 - 1940 bán hậu cho 2 cụ: Bùi Đình Đễ, Bùi Đình Cương và công đức trong họ làm đền thờ bà cô Tổ riêng, trong chính tẩm hình chuôi vồ, ngoài tam quan 3 gian hẹp lòng nền 24 mét vuông. Năm kháng chiến chống thực dân Pháp có lệnh tiêu thổ kháng chiến nên nhà thờ giải hạ, chuyển Tổ sang đền thờ bà cô Tổ .

Đến năm 1989, ông Bùi Đình Văn là con trai trưởng của cụ Trưởng họ làm tờ trình với họ, không có đất làm nhà cho các cháu, xin chuyển nhà thờ từ đằng Tây sang đằng Đông làm liền vào đốc nhà cụ Trưởng họ Bùi Đình Tư  ở  hiện nay,  để làm nhà thờ Tổ.

Năm Đinh Sửu 1997, họ đã tu tạo: nay là "Nhà thờ Tổ họ Bùi Đình".

Giai đoạn thứ ba (1945 - 1975)

Năm Ất Dậu (1945), nạn đói diễn ra khủng khiếp, cả nước hơn 2 triệu người chết đói, họ cũng chịu chung số phận đó.

Cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc bùng nổ, con cháu trong họ cũng cùng cả nước lên đường đi chiến đấu, riêng trong họ có 106 thanh niên vào bộ đội, bình quân mỗi hộ có trên 1 người, đến nay có nhiều anh em được phong hàm cấp tá, có anh là thượng tá như Bùi Đình Nguyện. Trong chiến đấu đã phải hy sinh đến 15 liệt sĩ, có những gương tiêu biểu như Bùi Nguyên Khiết. 15 liệt sĩ nói trên được Nhà nước công nhận ghi tên tại nhà bia tưởng niệm xã Xích Thổ, đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang.  Anh em thương binh về xã có người tuy trong mình còn mang thương tích vẫn tích cực tham gia công tác, giữ bản chất anh bộ đội Cụ Hồ.  Người công tác thoát ly phục vụ kháng chiến như: Bùi Đình Đôn, Trưởng Ban khai thác Liên khu III đã được thưởng Huân chương quân công. Hay có anh chị em là Tỉnh uỷ như Bùi Thị Thanh, Thường vụ Huyện uỷ, Phó chủ tịch Bùi Đình Khâm và còn nhiều anh em trưởng, phó ngành của huyện, của xã … Hàng trăm anh chị em tham gia 2 cuộc kháng chiến đã được tặng thưởng Huân, Huy chương, có nhiều Huân chương hạng nhất chống Mỹ cứu nước, có nhiều anh chị em được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam, hàng chục anh chị em được phần thưởng cao quý, Huy hiệu 40 - 50 tuổi Đảng.

Ngay thời xưa, có cụ làm lý trưởng, đi lính được phong thất phẩm, bát phẩm, về địa phương làm Tiên thứ chỉ, những không ai là cường hào ác bá (tài liệu Cải cách ruộng đất năm 1955).

Về học hành thời xưa tuy không ai đỗ đạt nhưng có nhiều cụ học trên chục năm chữ Hán, về làm thầy đồ, thầy thuốc để cứu dân độ thế. Ngày nay, nhiều con cháu trong họ đã qua bậc Đại học.

Giai đoạn thứ tư (từ 1975 đến nay)

Ngày nay đất nước được thanh bình, con cháu trong họ tìm về cội nguồn, lại nhờ đổi mới cách làm ăn, con cháu trong họ tuy chưa già u có, nhưng đời sống được nâng lên rõ rệt để "Ôn cố tri tân, uống nước nhớ nguồn" nên trong họ đã bàn và làm những việc sau đây:

1 - Lập Ban thường trực Hội đồng Gia tộc gồm 15 thành viên đại diện cho các chi, các ngành. Danh sác dưới đây:

- Cụ Bùi Đình Tư - Trưởng họ - Chủ tịch Hội đồng Gia tộc.

- Cụ Bùi Đình Ninh, Bùi Đình Lượng - hàng cao vai trong họ là Phó Chủ tịch Hội đồng Gia tộc.

- Ông Bùi Đình Dân, con trai út cụ Trưởng họ là Thư ký Hội đồng Gia tộc.

- Các thành viên khác của Hội đồng Gia tộc như: Bùi Đình Khái, Bùi Đình Hà, Bùi Đình Khiển, Bùi Đình Quýnh, Bùi Đình Lăng, Bùi Đình Nhữ, Bùi Đình Tôn, Bùi Đình Việt, Bùi Đình Thạch, Bùi Đình Hiến, Bùi Đình Hậu là thành viên Hội đồng.

2 - Xây dựng mồ mả cho các cụ cao tổ, kết quả đến nay đã xây đắp trên 95%. Hình thức kiến trúc đa dạng: hình lăng, hình tháp, hình án thư, hình chữ nhật trên mui luyện. Nhưng phổ biến là hình tròn nắp quả. Đằng trước mộ chí nhấn chữ: Họ Bùi Đình thứ tự các đời của các chi.

3 - Công đức để đúc quả chuông: ông Bùi Đình Khể là con cháu trong họ về giỗ Tổ tiến cúng quả chuông giá trị 1 triệu đồng được họ chấp thuận, đã có lễ tiến ngày 01.3. Đinh Sửu (1997).

4 - Công đức để tu tạo nhà thờ Tổ: bước đầu lạc quyên có 37 hộ lên tiếng số tiền 500.000đồng. Đồng thời tiến hành bổ mỗi hộ 15.000đồng. Kết quả 102 hộ số tiền 1.530.000 đồng (theo danh sách niêm yết công khai). Thường trực Hội đồng Gia tộc đã tiến hành tu tạo, có lễ khánh thành 01.3.Đinh Sửu (1997).

5 - Thành lập tiểu ban sưu tập cùng cụ Trưởng họ sao dịch Phú ý bằng chữ Hán ra chữ quốc ngữ. Tư vấn các cụ cao tuổi trong họ và lấy tên là "GIA PHẢ". Danh sách các thành viên của ban như sau:

- Cụ Bùi Đình Tư, Trưởng họ - Trưởng ban.

- Cụ Bùi Đình Ninh, Phó Chủ tịch Hội đồng Gia tộc - Phó ban biên tập tổng hợp.

- Bùi Đình Công - Thư ký biên tập.

- Bùi Đình Dân - Thư ký Hội đồng.

- Các thành viên khác: Bùi Đình Lượng (Phó Chủ tịch Hội đồng Gia tộc), Bùi Đình Khái, Bùi Đình Quýnh, Bùi Đình Nhữ, Nguyễn Đức Tuyên (là tế tử của họ), là thành viên của Hội đồng biên tập.

Trên cơ sở Phú ý bằng chữ Hán - Tự Đức nhị thập niên (1867) và Ban biên tập trình bày với Hội đồng Gia tộc họ nên đã lấy tên là: "GIA PHẢ" Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm thứ 22 (1998).

Từ năm Đinh Sửu 1697 là 300 năm.

Ba trăm năm là mười vạn tám ngàn ngày

Bùi Đình tộc đến nơi đây lập nghiệp,

Khi ra đi ở nơi nào có biết,

Liêm Thượng thôn là chỗ ở ngày nay,

Tính đến đây là mười vạn tám ngàn ngày

Điểm dòng họ đã mười ba đời rồi đó

Tuy không giàu sang cũng không nghèo khó

Chặng đường dài cũng có điêu linh,

Bốn đời đầu chỉ có độc đinh,

Đời thứ năm sinh cành kết trái,

Là cụ Hoành sinh 5 trai 3 gái trưởng thành

Cụ Trừng chi trưởng là anh,

Thứ nhì cụ Trữ hình thành chi hai,

Thứ ba cụ Tiếp ra đời,

Thứ tư cụ Đoán đến thời lại sinh,

Thứ năm cụ Đãng Bùi Đình,

Ngũ chi tại tích điển kinh lưu truyền.

Lạc long bách noãn rồng tiên,

Và sinh 3 gái thảo hiền nết na.

Công, dung, ngôn, hạnh cả ba,

Là nhờ nghĩa mẹ công cha sinh thành,

Công đức từ ở cụ Hoành

Ghi trong gia phả Bùi Đình họ ta.

Hàng năm mồng một tháng ba

Là ngày giỗ Tổ họ ta Bùi Đình,

Công đức cố Tổ sinh thành,

Đời đời con cháu trổ cành nở hoa.

Bùi Đình trai, gái, trẻ, già,

Đến ngày mồng một tháng ba tìm về.

Dù ở chốn chợ đồng quê,

Đến ngày giỗ Tổ tìm về đông vui.


Ngày 01/03 năm Đinh Sửu (07/04/1997)


Bùi Đình Ninh (Theo họ Bùi Đình tại Xích Thổ, Nho Quan,Ninh Bình)

CÙNG CHUYÊN MỤC

Thường trực BLL

Họ Bùi miền Bắc

Họ Bùi miền Trung

Họ Bùi miền Nam