Họ Bùi phường Đại Phú, TP Bắc Ninh tổ chức Lễ chính kỵ 269 năm Quận công Bùi Nguyễn Thái

HBVN

Nhận lời mời của ông Bùi Đức Tấn, Ủy viên BCH, Phó ban phát triển Cộng đồng họ Bùi Việt Nam, đại diện họ Bùi phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, mời tôi về dự Lễ chính kỵ 269 năm ngày mất của Quận công Bùi Nguyễn Thái 30/8/2015 trong nắng vàng hong hong của những ngày cuối thu ở vùng Kinh Bắc đẹp đến nao lòng.

Trước lúc đi, ông Tấn nói tôi sẽ đưa xe ô tô đến đón anh. Tôi nói – Trời ạ! Tôi chỉ là anh thợ cày vùng Đông Bắc, xe cộ làm gì, diệu vợi thế? Hai ta cứ cái xe máy cà tàng của tôi mà lượn, đây với Bắc Ninh có gì xa đâu. Ai đời, sáng đó đón tôi, ông Tấn đánh hẳn cái xe Toyota Camry màu đen mới cứng, lại còn mấy… chấm nữa chứ!  Nói thật, tôi vốn con nhà dân dã cả đời có xe pháo sang trọng bao giờ, nay nhìn thấy xe sang, lại đi đến nơi rất linh thiêng và trang trọng đâm cũng hãi! Ông Tấn chở tôi đi lòng vòng một hồi, đến đón ông Bùi Văn Tiếp Ủy viên BCH CĐHB VN, nay đã ngoài 70 tuổi, hậu duệ của Quận công Bùi Đăng Châu, ở Đoàn Đào, Tiên Lữ, Hưng Yên cùng về dâng lễ tổ trong dịp này.
 
Đúng là về Kinh Bắc, mảnh đất của biết bao danh nhân hào kiệt, của làn điệu dân ca Quan họ, xứ sở của các liền anh, liền chị. Một miếng trầu cay, một chiếc nón ba tầm, một con đò, một dòng sông bến nước, một lời chia tay mà dùng dằng anh đi, em ở mãi chả dứt được ra, bởi cái tình người không nhạt nắng phai sương của mảnh đất này. Còn cách mấy trăm mét nữa mới tới nhà thờ Quận công Bùi Nguyễn Thái, nơi diễn ra lễ Chính kỵ, nhưng chúng tôi đã nghe thấy tiếng hát dân ca ngọt lịm, tha thiết, nổi bật nét đặc trưng thường diễn ra ở vùng lễ hội Kinh Bắc xưa và nay. Nhìn dãy ô tô con sang trọng, đỗ thứ tự dài tới cả trăm mét, ông Tiếp rỉ tai tôi – Con cháu họ này được thừa hưởng lộc tổ, đang ăn lên làm ra, phú quý lắm! Tôi gật đầu nói lại: - Vâng! Cũng may ông Tấn cho cái xê ô tô xịn chở tôi và bác đại diện cho họ Bùi Việt Nam từ Hà Nội về đây, nên còn ra dáng cán bộ cấp “trên” một chút, chứ mấy anh em lại đi cái xe máy cà tàng đến thì lúc này mất giá lắm! Cả ba chúng tôi cùng bật cười, làm cho mấy bác đại diện Ban tổ chức họ ra đón hơi lúng túng một chút, vì không biết chúng tôi đang hài hước với nhau. Giây phút chủ khách nhanh chóng tan biến, thay vào đó là những bàn tay xiết chặt, những câu chào hỏi thấm đẫm tình họ tộc anh em một nhà, sâu nặng như ngọn nguồn dòng máu ông cha từ ngàn xưa vẫn chảy trong mỗi trái tim con người họ Bùi cả nước hôm nay. Về dự Lễ giỗ tổ hôm nay, bà con họ tộc xa gần rất đông đủ. Ngoài số bà con ở quê nhà, còn có con, cháu hậu duệ của Đức Thế tổ ở Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội v.v..., quan khách ở địa phương đại diện cho Đảng, Chính quyền, các Đoàn thể phường Đại Phúc, các vị đại diện cho các họ bạn ở địa phương, các ông bà đại diện cho chi bộ, tổ dân phố nơi đặt nhà thờ cụ, đã đặt lễ dâng hương kính ngưỡng Đức Thế tổ và dự trọn vẹn các nội dung chương trình buổi lễ.


Ban tổ chức đã chu đáo, chia buổi lễ ra làm ba phần cụ thể:

- Lễ Dâng hương và đọc diễn văn ôn lại thân thế, sự nghiệp của Quận công Bùi Nguyễn Thái.

- Lễ Khen thưởng khuyến học – khuyến tài cho các cháu học sinh giỏi phổ thông và thi đậu các trường đại học, năm 2015

- Lễ ra mắt “ Ban Phụ nữ gia tộc họ Bùi” phường Đại Phúc.

Trước khi nói đôi điều về thân thế sự nghiệp của Quận công Bùi Nguyễn Thái, tôi xin giới thiệu về nhà thờ và lăng mộ của ngài tại mảnh đất này. Nhà thờ và lăng mộ được đặt trên khu đất khu đất cao, thoáng rộng, ở thế dựa núi nhìn sông, ngay trong lòng thành phố, nơi cư dân đông đúc. Đứng trước cửa nhà thờ phóng tầm mắt về hướng Đông Nam, là con đường Một ngược lên mạn Bắc như một kẻ chỉ vạch giữa cánh đồng xanh ngát, xa xa là dãy núi Thiên Thai mờ trong sương khói mùa thu, cảnh vật thật hữu tình hiếm có ở mảnh đất thời công nghiệp này. Trên khu đất có diện tích khoảng 500m2, chia ra hai phần. Nhà thờ xây dựng đường bệ, uy nghi theo thế chữ “Nhị”, phần gian ngoài bày bài vị, hương án, bộ binh khí, đồ tế, gian hậu cung đặt tượng của Quận công Bùi Nguyễn Thái và phu nhân Trịnh Thị Lai. Phần lăng mộ đã được nâng cấp nhưng vẫn giữ nguyên các cổ vật từ vài trăm năm trước, như voi đá, ngựa đá, tượng đá người hầu, văn bia công tích của người và lư hương. Đặc biệt phần lăng mộ có sân vườn, chia ra ba cấp - sân hạ lăng, trung lăng và thượng lăng. Khu thượng lăng đặt mộ được xây bề thế, cuốn vòm, mái bán nguyệt, tứ trụ có tường bao lửng vững chắc. Mộ nguyên cốt được đặt theo hướng Bắc – Nam, xây dày, chiều dài mộ tới hơn ba mét, chiều ngang gần hai mét, cao trên một mét. Theo các cụ cao niên ở đây kể lại, mấy chục năm trước, con cháu dòng tộc khảo sát phần mộ để xây lăng, khi mở lớp quách và quan tài bằng gỗ quý dày bản, di hài cụ vẫn còn nguyên vẹn, bao bọc giữa nhiều lớp gấm, nhiễu, lụa là và triều phục, nhìn vẫn uy nghi, thanh thản, như vị đại thần làm xong việc nước, về ngả giấc trăm năm! Quả là hiếm có!

Theo thần phả còn lưu tại Văn chỉ tổng Đỗ Xá, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh và tài liệu lưu trữ tại Viện Hán Nôm, hoặc bi ký “ Bia khắc công đức Linh sơn Thạch mã kỳ” tại núi Vũ Sơn, làng Đại Vũ, nay là Khu 1, phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh, Quận công Bùi Nguyễn Thái là quan võ, ra làm quan dưới triều Lê Huy Tông vào năm Chính Hòa (1692 – cuối thế kỷ thứ XVII). Tướng công Bùi Nguyễn Thái được bổ làm tướng trấn nhậm mạn Bắc nước ta. Tướng công đã có nhiều công lao gìn giữ miền biên ải, diệt giặc xâm lấn, nội trị an dân, giữ yên bờ cõi. Là chiến tướng vùng biên ải, người đã tỏ rõ khí phách của non sông đất Việt, quyết không để một tấc đất của cha ông cho quân thù xâm lấn, nhưng lại khôn khéo khoan hòa khiến giặc nể trọng. Lúc làm tướng, lúc làm sứ thần sang bang giao với triều Minh đều lo tròn việc nước, làm rạng danh một đất nước có chủ quyền. Đến đời vua Lê Dụ Tông (năm Vĩnh Thịnh 1706- 1719). Tướng Bùi Nguyễn Thái được bổ vào làm việc tại nội cung, giữ chức Tư lễ giám mục (là người lo việc lễ nghi trong cung vua).

Thời ấy, bên cạnh cung vua còn nổi lên phủ Chúa Trịnh, quyền lực triều chính bị chia rẽ, mâu thuẫn nổi lên, các đại thần phân rã thành bè phái, giặc ngoài lăm le xâm lược. Trước tình hình đó Quân công Bùi Nguyễn Thái đã tỏ rõ một tướng tài trung quân ái quốc, dàn xếp nhiều mâu thuẫn giữa Phủ chúa và Cung vua. Nhận rõ thế nước đang suy yếu khó lòng đương đầu được giặc dữ, nhà vua đã bổ Quận công sang hòa hoãn với nhà Minh để ổn định đất nước. Thực chất để ổn định nội bộ, giảm bớt cho dân tình sưu cao thuế nặng, mấy tầng cai trị bóc lột và đàn áp, Quận công đã như một dấu gạch nối giữa Phủ chúa và Cung vua để giữ cân bằng quyền lực, đỡ sự thống khổ và tổn thất cho lương dân trăm họ.

Tại Hội thảo Khoa học tỉnh Bắc Ninh tháng 7 năm 1987, với sự tham gia của nhiều nhà sử học của cả Trung ương và địa phương, nhiều dữ liệu của Quân công Bùi Nguyễn Thái đã được làm sáng tỏ, khẳng định thân thế. sự nghiệp, những cống hiến to lớn của Người trong hơn 50 năm chốn quan trường, qua 7 đời vua (Chính Hòa, Vĩnh Thịnh, Bảo Thái, Vĩnh Khánh, Long Đức, Vĩnh Hựu, Cảnh Hưng. Từ vua Lê Huy Tông năm 1692, Lê Hiển Tông 1747. Đến giữ thế kỷ thứ 18 thì Quận công Bùi Nguyễn Thái mới mất khi đang tại triều). Người được bổ nhiều chức vụ làm quan hàng đại thần trong mấy triều nhà Hậu Lê; như chức: Thoan trung hầu, tước vị nội các, đứng hàng thứ hai trong các quan đại thần; giữ cương vị rường cột trong triều chính nhà nước phong kiến lúc bấy giờ. Hội thảo khoa học đã khẳng định, Quận công Bùi Nguyễn Thái là một vị đại thần tài trí thao lược, tâm đức vẹn toàn, một trong những ngôi sao lớn của vủng Kinh Bắc trong triều Lê lúc bấy giờ. Tiếng thơm và ân đức của người không chỉ là niềm tự hào của hậu duệ Bùi tộc trên quê hương, mà còn là niềm tự hào trong truyền thống lịch sử anh hùng của tỉnh Bắc Ninh trong mọi thời đại.


Lịch sử nói chung và truyền thống dòng họ nói riêng, bao giờ cũng là khởi nguồn, tiếp lửa cho con cháu noi theo. Tại Lễ Khuyến học của họ Bùi phường Đại Phúc nhân ngày chính kỵ của Quận công hôm nay, dòng họ đã tuyên dương khen thưởng hơn 80 cháu học sinh giỏi cấp trường và cấp quận, trong số ấy có bốn cháu đỗ đại học ở các trường đại học lớn như, Kinh tế quốc dân, Bách khoa, Sư phạm. Họ Bùi ở một phường, mà có số học sinh giỏi khá cao và trúng đại học nhiều như vậy dứt khoát là một dòng họ hiếu học! Trong bài diễn văn tuyên dương các cháu học sinh giỏi, ông trưởng họ đã đánh giá sâu sắc công tác khuyến học trong những năm qua của cả họ và khẳng định Văn bia Quận công đã căn dặn con cháu lấy việc học làm đầu. Có học mới có tài năng sáng tạo, để xây dựng cuộc sống tốt hơn và góp phần vào xây dựng đất nước giàu mạnh. Đó không chỉ là trách nhiệm với cuộc sống mà còn là noi theo tấm gương sáng mà cha ông đã dạy, do đó mọi gia đình, mọi bậc phụ huynh đều phải nỗ lực cao trong công tác khuyến học, từ nay chúng ta bắt tay vào xây dựng dòng họ Quận công Bùi Nguyễn Thái là dòng họ học tập, như danh nhân Nguyễn Trãi cũng đã từng căn dặn, “Nên thợ nên thầy nhờ có học, no ăn no mặc bởi lam làm”.
 

Sau lễ ra mắt của “Ban Phụ nữ gia tộc”, Trưởng ban hứa hẹn quyết tâm đóng góp vào hoạt động chung của dòng họ. Đề cương hoạt động của Ban Phụ nữ đã thể hiện rõ vai trò trách nhiệm của phụ nữ gia tộc đối với việc nuôi dạy con cái, xây dựng cuộc sống gia đình phồn vinh, hạnh phúc và xác định nghĩa vụ đóng góp chung cho dòng họ. Trong  lễ chính kỵ của Đức Thế tổ hôm nay, vai trò của Ban phụ nữ đã được khẳng định. Ông trưởng tộc còn cho biêt, để chuẩn bị cho ngày chính kỵ của Quận công, chị em đã dành ra gần tháng trời lo liệu mọi việc, như học và biểu diễn một số tiết mục văn nghệ, trong đó học thuộc “Bài hát họ Bùi Việt Nam”, tối qua họ đã tổ chức một đêm liên hoan ca hát với nhiều tiết mục, thu hút cả trăm bà con khu phố đến tham dự.


Về Bắc Ninh lần này, tôi lại biết thêm về danh nhân họ Bùi ở vùng Kinh Bắc. Sông Hồng là cội nguồn của nền văn hóa nước ta. Nếu như mạn Nam sông Hồng có những chi họ Bùi “danh gia vọng tộ” như họ Bùi Thịnh Liệt, họ Bùi Châu Cầu, Phủ Lý, Hà Nam nối đời khoa bảng và quan trường, như cụ Tiến sĩ Bùi Văn Dị ở thế kỷ thứ 18 đã từng làm quan Tổng đốc Bắc Ninh- Thái Nguyên và giương ngọn cờ chống Pháp tại đất này; thì mạn Bắc sông Hồng, từ nơi đây xuôi xuống vùng Hưng Yên, mới dài vài chục cây số, họ Bùi đã có hai hào kiệt, đó là Quận công Bùi Nguyễn Thái trong triều Hậu Lê và Quận công Bùi Đăng Châu nhà Nguyễn. Dòng sông nguồn cội ấy, biết bao đau thương và hào khí, bao tin cậy và sinh nở để đất nước ta hôm nay mãi ngút ngàn xanh, tươi trẻ như tráng sĩ giữa trời xanh gió lộng, một quắc thước Việt Nam đang trên đường giàu mạnh, sánh vai cùng bè bạn năm châu.

Bùi Hoa Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

Thường trực BLL

Họ Bùi miền Bắc

Họ Bùi miền Trung

Họ Bùi miền Nam